Tạp chí GTVT – TNGT đường sắt từ đầu năm 2019 đến nay có diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2019, cả nước đã xảy ra 27 vụ TNGT đường sắt làm 17 người tử vong, 23 người bị thương. Đa phần các vụ tai nạn chủ yếu liên quan đến đường ngang dân sinh và những điểm giao cắt khuất tầm nhìn giữa đường bộ và đường sắt. Theo đánh giá, nguyên nhân xuất phát từ hiện trạng hệ thống đường ngang giao cắt với đường sắt tồn tại nhiều bất cập, bên cạnh đó người tham gia giao thông chủ quan, không quan sát hoặc cố tình băng qua đường ngang trong khi tàu hỏa đang đến gần.
Một vụ tai nạn đường sắt tại địa phận tỉnh Thanh Hóa |
Mất mạng… vì thiếu ý thức
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ TNGT đường sắt là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang như: Không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn; không làm chủ được tốc độ dẫn tới đâm vào tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu báo tàu đến.
Trên thực tế đã có nhiều bài học về các vụ tai nạn đau lòng khi băng qua đường ngang mà lỗi là do người điều khiển các phương tiện giao thông cố tình bỏ qua các cảnh báo hoặc cố tình vượt qua đường ngay cả khi đoàn tàu đang đi tới, hậu quả là hàng ngàn người đã phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Điển hình như vụ tai nạn ngày 9/7 vừa qua, vào lúc 6 giờ 54 phút, tàu SE1 khi đến km900+360 (đường ngang biển báo) khu gian Núi Thành – Trị Bình (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã va vào xe ô tô taxi 4 chỗ BKS 76A – 037.91 của hãng Mai Linh vượt qua đường sắt, làm chết 02 người và 02 người bị thương, ô tô bị hỏng, gây ùn tắc và chậm tàu gần 30 phút.
Hay vụ tai nạn ngày 22/7, vào lúc 8 giờ 5 phút, tàu 2003 đến km62+300 (đường ngang biển báo) khu gian Phố Tráng – Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đã va vào xe ô tô 7 chỗ BKS quân đội BT – 5487 vượt qua đường sắt, làm bị thương 01 người, xe ô tô bị hỏng, đầu máy bị hỏng nhẹ, gây ùn tắc và chậm tàu gần 02 giờ…
Đặc biệt ngày 31/7, lúc 8 giờ 42 phút, tàu SE27 máy 713 khi đến km1465+810 qua huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, tại khu gian Sông Lòng Sông – Sông Mao đã va vào xe ô tô 16 chỗ BKS 86B – 003.66 vượt qua đường sắt làm xe ô tô bị văng vào cột tín hiệu vào ga Sông Lòng Sông. Hậu quả, 4 người chết và chậm tàu 45phút.
Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm 78%, còn lại là đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Một số địa phương xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt (từ 5 vụ trở lên), gồm: Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10 vụ); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ); Thừa Thiên – Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ); Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (5 vụ).
Các vụ TNGT đường sắt đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người cũng như gây thiệt hại lớn về tài sản. Vì thế, đảm bảo ATGT đường sắt trở thành vấn đề rất cần được quan tâm.
Đầu tư hạ tầng đường sắt, nâng cao ý thức người dân
Để hạn chế tai nạn đường sắt tại các vị trí đường ngang biển báo và lối đi tự mở, thời gian qua VNR đã bố trí trực cảnh giới tại 44 đường ngang có nguy cơ cao về tai nạn trong đợt cao điểm vận tải hè từ ngày 10/6 đến hết ngày 31/7, cảnh giới hàng ngày từ 6 – 21 giờ; công bố lịch trình chạy tàu thường xuyên; thông báo trên bảng thông tin điện tử trên tàu, dưới ga các quy định về đảm bảo ATGT khi đi qua đường sắt… để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành, phòng tránh tai nạn. Tuy nhiên, tình hình tai nạn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến ý thức người đi đường.
Vì vậy, VNR khuyến cáo người tham gia giao thông hãy “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội”.
VNR cũng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn đường sắt, hướng dẫn để người dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, chủ động phòng tránh tai nạn; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn đường sắt, trong đó có hành vi: Cố tình mở lại lối đi tự mở đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang đường sắt, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống, dàn chắn, cần chắn đã đóng (gây hư hỏng cần chắn tự động, cần chắn, dàn chắn tại các đường ngang)…
Riêng đối với các địa phương có đường sắt đi qua, VNR đề nghị thực hiện nghiêm Nghị định 65/2018/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật Đường sắt 2017 và “Quy chế phối hợp”, gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương.
Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt hiện nay còn nhiều bất cập và ngành Đường sắt cũng chưa có đủ điều kiện để tổ chức gác chắn thì đòi hỏi người tham gia giao thông đường bộ phải tuyệt đối chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Vì thế, việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ – đường sắt cũng như ý thức tự bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông là điều có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc giảm thiểu TNGT tại khu vực đường ngang.
Song song với đó, ngành Đường sắt tiếp tục chú trọng trong công tác đảm bảo an toàn, nâng cấp hệ thống biển, bảng, đèn tín hiệu, xây dựng rào chắn phân cách giữa đường bộ và đường sắt trên toàn tuyến, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, góp phần giảm thiểu TNGT