Trước khi người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam để làm thuộc địa, giao thông đường dài ở xứ ta chỉ có đường bộ, đường thủy. Để khai thác thuộc địa, người Pháp thấy cần phải xây dựng đường sắt. Đường sắt đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp xây dựng là tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho.
Đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho không chỉ là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam mà còn là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, được khởi công xây dựng vào năm 1881.
Ngày 20/7/1885, đánh dấu sự ra đời của ngành Đường sắt Việt Nam khi chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại tỉnh lỵ Mỹ Tho.
Do đặc điểm của Nam Kỳ lục tỉnh là vùng sông nước, nên phần lớn con đường mà tuyến đường sắt đi xuyên qua là đất thấp và bùn lầy. Việc phải gia cố nền đường đã làm mất rất nhiều thời gian. Tuyến đường cũng đi qua những cánh đồng lớn hoặc một số khu dân cư. Một vấn đề nan giải mà tuyến đường sẳt gặp phải khi ấy là có hai con sông ngăn cách.
Do vậy, vừa thi công công trình, nhà thầu Pháp vừa đặt hãng Eiffel khi đó chế tạo 2 cây cầu gồm cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) cho xe lửa qua sông.
Thế nhưng mấy năm sau, khi đã đưa tuyến đường sắt vào hoạt động các cây cầu vẫn chưa hoàn thành. Do đó để đưa tàu hoả vượt qua sông lớn thì trong các năm đầu mới khai thác, các toa tàu đã được tạm tách rời để đưa lên phà qua sông, sau đó lại được nối rồi cho chạy tiếp. Loại phà được dùng chạy bằng động cơ hơi nước, chở hơn 10 toa xe. Trên phà có lắp đường ray và các thiết bị để nối đường ray trên mặt đất với ray của phà.
Hình ảnh đoàn xe lửa dài chạy xì khói kêu ầm ầm trên 2 thanh sắt và hình ảnh chiếc phà đưa xe lửa qua sông đã khiến người dân Việt thời đó rất ngạc nhiên, tò mò thích thú và ngưỡng mộ.
Nguyễn Văn Ất